24 thg 10, 2013

Cùng like và chia sẻ các thông tin trên diễn đàn và trang mạng xã hội của CIP

Đây là những thông tin chính thức được các quản trị viên của Trường Anh ngữ CIP cập nhật thường xuyên và chính thức của trường. Hãy cập nhật thông tin và cùng chia sẻ cùng chúng tôi nhé.

Những hình vuông bí ẩn này là gì?

Những hình vuông lấm tấm "hoa văn" đen trắng xuất hiện khắp nơi (trên sản phẩm, trên vách, trên cửa) tại Nhật Bản, bắt đầu lan rộng tại Châu Âu và Mỹ.

Bên trong hình vuông có những hình vuông nhỏ hơn, những hạt vuông li ti cùng những vệt ngang dọc dường như hỗn loạn. Những hình vuông bí ẩn ấy đang mở ra cuộc chơi lớn dành cho mọi người.
Bên lề hội thảo Google Developer Day 2009 (11/9/2009) tại Prague (Cộng hòa Czech), Google tổ chức một trò chơi sôi nổi: những người tham gia phải săn tìm những hình vuông nho nhỏ ở nhiều nơi trong khu vực hội thảo. Mỗi hình vuông tìm được có điểm thưởng tương ứng. Giải thưởng của trò chơi dành cho ba người có số điểm cao nhất.
Hình vuông "lấm tấm" xuất hiện trên tường, trên các đồ vật, trên màn chiếu trong các buổi thuyết trình, trên thẻ tên (đeo trước ngực) của mọi người tham dự hội thảo.
Khi tìm được một hình vuông, người chơi dùng phần mềm thích hợp trên điện thoại di động Android hoặc iPhone để giải mã hình vuông. Chỉ cần hướng ống kính của điện thoại di động về phía hình vuông ở khoảng cách 30-60 cm, phần mềm giải mã trên điện thoại đọc được ngay nội dung của hình vuông. Nội dung được mã hóa trong hình vuông là một địa chỉ trên mạng (URL). Khi người chơi bấm nút Open browser, trình duyệt tự động truy cập địa chỉ nhận được. Theo cách như vậy, người chơi xem được thông tin bổ sung về bài thuyết trình trong trường hợp hình vuông xuất hiện trên màn chiếu, hoặc xem được thông tin cá nhân của người đối diện trong trường hợp hình vuông nằm trong thẻ tên.
Để tham dự trò chơi, người chơi phải đăng nhập ở trang thông tin bản thân bằng cách dùng điện thoại di động giải mã hình vuông trong thẻ tên của chính mình.
Mỗi lần truy cập một trang thông tin của hội thảo, người chơi được tăng điểm. Điểm số của người chơi xuất hiện ngay trong trang đang xem.
Điểm số nhiều ít khác nhau tùy theo độ khó. Những hình vuông tại các vị trí hiểm hóc luôn ứng với điểm số cao. Hình vuông trên thẻ tên ứng với điểm thưởng cao hơn hình vuông trên các đồ vật vì đòi hỏi người chơi phải... chào hỏi người đeo thẻ và xin phép giải mã thông tin (Google khuyến khích khách tham dự hội thảo giao lưu thân thiện).


Săn tìm hình vuông QR tại hội thảo Google Developer Day (Prague 2009).

Trò chơi "săn tìm hình vuông" được lặp lại ở mức cao hơn tại hội thảo Google I/O 2010 (27-28/5/2010) tổ chức tại California. "Phiên bản cải tiến" của trò chơi bổ sung thử thách mới: sau thao tác giải mã hình vuông để truy cập trang thông tin của hội thảo, người chơi có thể được yêu cầu thực hiện vài việc thích hợp với vị trí của mình (chẳng hạn, chụp ảnh từ vị trí đó và chuyển ảnh về máy chủ). Thông tin về vị trí (kinh độ, vĩ độ) hiện diện ngay trong URL mà hình vuông chứa đựng, giúp cho hệ thống nhận biết chính xác vị trí của người chơi.
Trò chơi "công nghệ cao" vừa nêu dường như chỉ có thể được tổ chức bởi các công ty lớn. Thực ra, xét về bản chất, trò chơi có thể được thực hiện với chi phí thấp dành cho mọi cuộc họp mặt. Công cụ mã hóa và giải mã đều miễn phí, dễ dàng tìm được trên mạng. Hình vuông có thể ẩn chứa thông điệp bất kỳ, có thể là một câu hướng dẫn, cung cấp manh mối chỉ đến hình vuông kế tiếp (theo cách thức của trò chơi "truy tìm kho báu").
Hình vuông bí ẩn trong trò chơi của Google được gọi là mã QR (Quick Response) - một loại mã vạch hai chiều. Mã QR là loại mã vạch cho phép giải mã nhanh, do công ty Denso-Wave (công ty thuộc tập đoàn Toyota) thiết kế từ năm 1994, nhằm lưu giữ thông tin trên từng cấu kiện, dùng trong dây chuyền sản xuất ô-tô.
Khác với mã vạch thông thường chỉ diễn đạt thông tin theo chiều ngang, cả hai chiều (ngang và dọc) của mã QR đều có ý nghĩa mã hóa, cho phép dung lượng thông tin nhiều hơn hàng trăm lần. Thông tin chứa đựng càng nhiều, hình vuông QR càng lớn. Trong thực tế, nội dung của hình vuông QR thường không quá 800 ký tự (có thể bao gồm ký tự Unicode).
Mã QR có tính mở cao hơn mã vạch thông thường. Công ty Denso-Wave giữ tác quyền đối với mã QR nhưng công khai tài liệu kỹ thuật về mã QR và cam kết không thu phí tác quyền. Điều này tạo điều kiện cho sự xuất hiện nhiều phần mềm miễn phí để mã hóa và giải mã QR. Với phần mềm giải mã QR trên điện thoại di động, mọi người đều có thể đọc mã QR. Nhiều loại điện thoại di động mới (Android, iPhone, Nokia) có sẵn phần mềm giải mã QR.
Sau Nhật Bản, mã QR được ứng dụng rộng rãi tại Châu Âu và bắt đầu thâm nhập nước Mỹ.


Giải mã hình vuông QR trước một cửa hiệu ở Pháp.

Kaywa - công ty cung cấp miễn phí công cụ mã hóa và giải mã QR, công ty đi tiên phong trong việc ứng dụng mã QR tại Châu Âu - vốn là công ty... "công nghệ thấp". Mặt hàng chủ yếu của Kaywa là khăn choàng cổ. Doanh số của Kaywa tăng trưởng lạ lùng khi Kaywa bắt đầu thay thế hoa văn trên khăn choàng cổ bằng những hình vuông QR chứa đựng thông điệp ngộ nghĩnh.
Do sự phổ biến của kết nối Internet 3G, nội dung của hình vuông QR thường là địa chỉ URL, giúp người xem có thể truy cập nhanh trang thông tin thích hợp trên web bằng điện thoại di động, không phải tự tay nhập địa chỉ URL (đôi khi khá dài) vào trình duyệt.
"Soi" hình vuông QR in trên sản phẩm (lon nước ngọt Pepsi, hộp trà xanh Oishi,...) bằng điện thoại di động, người dùng sản phẩm xem được ngay trang web hướng dẫn chi tiết cách dùng sản phẩm và có thể chấm điểm sản phẩm. Nhiều nhà sản xuất kích cầu bằng các lô hàng giảm giá dành cho những người đầu tiên đọc hình vuông QR trên sản phẩm.
Theo cách tương tự, khách tham quan tại viện bảo tàng hoặc địa điểm du lịch có thể tìm hiểu cặn kẽ về hiện vật trước mắt, về sự kiện lịch sử, về đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tại vị trí đang đứng. Trên trang báo in, hình vuông QR bên cạnh mỗi bài viết giúp người đọc tham khảo số liệu, biểu đồ hoặc một đoạn phim trên web có liên quan đến sự kiện được đề cập.
Hình vuông QR bắt đầu xuất hiện ở góc màn hình ti-vi, trên áo hoặc trên tường (với kích thước lớn) trong những chiến dịch quảng bá sản phẩm.
Công ty đồ chơi trẻ em Kid Robot tổ chức cuộc săn tìm những rô-bốt đặc biệt có hình vuông QR trong các cửa hàng tại New York. Tương tự trò chơi của Google, giải thưởng được trao cho người tích lũy nhiều điểm nhất trong việc giải mã hình vuông QR. Chắc chắn đó là người đã bỏ công dạo quanh mọi gian hàng của Kid Robot và tốn nhiều thời gian để xem xét từng sản phẩm.
Tại ga tàu điện ngầm Ikebukuro ở Tokyo, Công ty Walt Disney dùng các áp-phích (poster) quảng cáo phim có hình vuông QR, giúp người qua lại dễ dàng truy cập trang thông tin của phim (thiết kế riêng cho điện thoại di động), bao gồm những bài viết giới thiệu phim và trích đoạn phim (trailer).
Để quảng cáo phim Quantum of Solace, Công ty Sony tổ chức cuộc thi lớn mang tên Quantum Code (mật mã lượng tử) tại Úc, trong đó hình vuông QR trên áp-phích của phim dẫn người chơi đến những "nhiệm vụ tối mật" phải hoàn thành trên mạng (giải mã hình vuông QR xuất hiện trong các trích đoạn phim) và trên thực địa (giải mã hình vuông QR tại các vị trí khác nhau trong thành phố Sydney).


Giải mã hình vuông QR diễn đạt địa chỉ http://code.google.com/events/io/.

Sáng tạo liên quan đến mã QR gây ngạc nhiên nhiều nhất có lẽ thuộc về công ty Konami Digital Entertainment. Trò chơi Love Plus của Konami (trên máy Nintendo DS hoặc iPhone) cung cấp cho người chơi một "người tình ảo" để chăm sóc theo thời gian thực, tương tự trò chơi "nuôi gà ảo" Tamagotchi. "Người tình ảo" có thể là một trong các nhân vật nữ sinh trung học mang tên Nene, Manaka và Rinko, được vẽ theo phong cách manga. Người chơi có thể trò chuyện đơn giản với Nene nhờ khả năng nhận dạng giọng nói của Love Plus. Nene biết chào hỏi duyên dáng và biết giận hờn khi không được quan tâm đúng lúc.
Tiến xa hơn nữa, Love Plus cho phép người chơi chụp ảnh Nene (thậm chí chụp ảnh chung) bằng iPhone ở nhiều địa điểm tại thành phố biển Atami (gần Tokyo), những nơi có gắn sẵn hình vuông QR. Nhờ khả năng nhận dạng hình ảnh, phần mềm Love Plus trên iPhone tự động chồng hình của Nene vào ảnh chụp, tại vị trí đặt hình vuông QR trong khung ảnh. Mã QR chỉ rõ địa điểm chụp ảnh (ngoài bãi biển hoặc trong phòng trọ) cho phần mềm Love Plus. Nhờ vậy, trong các ảnh chụp, Nene luôn có trang phục thích hợp với từng địa điểm.
Thật dị thường, hàng ngàn nam thanh niên kéo đến Atami đều say mê Nene (hoặc Manaka, hoặc Rinko) như người tình thực sự và tỏ ra nghiêm túc trong quan hệ tình cảm (đã có người tổ chức lễ cưới với người tình ảo!).
Ai cũng có thể tạo ra và giải mã hình vuông QR nhưng hình vuông QR vẫn luôn bí ẩn, vẫn luôn thúc giục người xem đi vào chiều sâu của nó. Mã QR sẽ còn dẫn đến những sáng tạo bất ngờ trong tương lai.
NGỌC GIAO
Theo eChip

 Giới thiệu về Trường Anh ngữ CIP

CIP School (Clark International Premier School) là trường dạy Anh ngữ 1 đối 1 với GV bản ngữ cho người nước ngoài muốn du học Anh ngữ ở Philippines. Trường là trung tâm đào tạo tiếng Anh với các khóa học ngắn hạn 1~6 tháng (khai giảng mỗi thứ 2 hàng tuần), được Bộ giáo dục Philippines và Văn phòng xuất nhập cảnh Philippines công nhận. CIP School có đa dạng các khóa học, trong đó nổi bật với các khóa học phù hợp với học viên Việt Nam như INTENSIVE và các khóa học luyện thi TOEIC, IELTS, TOEFL, Business và LCCI,... 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét